Lang thang tìm được một bài viết khá hay, chia sẻ với các bạn Chọn lựa Card đồ họa rời cho dân thiết kế.Ngành thiết kế đồ họa trên PC hiện nay rất đa dạng. Có khá nhiều software chuyên biệt để phục vụ cho các mục đích khác nhau, do đó yêu cầu của mỗi software đối với hardware cũng khác nhau. Việc chọn lựa được một bộ hardware thích hợp nhất mà vẫn nằm trong khoản chi phí đã đặt ra luôn luôn là một vấn đề lý thú. Ứng với công việc thiết kế đồ họa, lẽ dĩ nhiên việc chọn lựa card đồ họa (VGA card) mang tầm quan trọng nhất. Card đồ họa chuyên nghiệp cho máy trạm (workstation) Thường được gọi là OpenGL card, hai dòng thông dụng là NVIDIA Quadro và ATI FireGL. Các OpenGL card được tối ưu cho các công việc thiết kế 3D chuyên nghiệp. Một vài tính năng vượt trội khi xử lý bằng hardware của card như: - Anti-aliasing (khử răng cưa), giúp cho việc thiết kế 3D bằng wireframe dễ dàng hơn. - Xử lý các phép toán ảnh, tính toán ánh sáng, đổ bóng ngay trong môi trường thiết kế 3D. - Có khả năng xử lý số lượng cực lớn đối tượng 3D trong thiết kế và render. Giá của các OpenGL card khá cao (>1000 USD đến vài ngàn USD). Giá này theo nhiều người là phù hợp, đem lại hiệu quả xứng đáng. Tuy nhiên sức mạnh của card đồ họa cho máy PC khi thiết kế 3D hiện nay cũng đã dần mạnh lên. Do đó, trừ khi công việc của bạn là thiết kế thực sự chuyên nghiệp (ví dụ các model 3D rất phức tạp, hay tạo 3D animation film) hoặc làm việc trong môi trường chuyên nghiệp (công ty lớn, dự án lớn), việc đầu tư cho OpenGL card có thể là một sự lãng phí vì không dùng hết công suất. Card đồ họa trình diễn cho notebook Ngược lại, các card đồ họa trong máy notebook hướng tới mục tiêu di động và tiết kiệm điện, nên khả năng xử lý có hạn chế. Chỉ phù hợp cho các công việc trình diễn (presentation) hay chỉnh sửa nhẹ. Công việc thiết kế đồ họa chính vẫn phù hợp với các dòng card đồ họa dành cho workstation và PC hơn. Card đồ họa đa năng cho máy tính để bàn PC Đôi khi dòng này được gọi là gaming card.Nhưng, hiện nay, việc dùng dòng card này trong việc thiết kế đồ họa lại là thông dụng nhất vì giá thành dễ chấp nhận (<1.000 USD). Đây cũng là loại card đồ họa đa dạng, phong phú chủng loại nhất trên thị trường. Do đó chúng ta sẽ đi sâu hơn trong việc nhận dạng các loại card này, thông qua các yếu tố kỹ thuật quan trọng của card. 1. Chip xử lý đồ họa - GPU: Đây là trái tim của card đồ họa. Khả năng xử lý đồ họa mạnh hay yếu phần lớn là do GPU quyết định. Hiện tại, đa số trên thị trường card đồ họa rời cho PC tiêu biểu có 2 loại GPU là ATI Radeon và NVIDIA GeForce. Trong việc thiết kế đồ họa trên PC, nên sử dụng card đồ họa có GPU từ dòng trung cấp trở lên. 2. Bộ nhớ đồ họa - video memory: Bộ nhớ dành cho card đồ họa. Hai thông số quan trọng của bộ nhớ là dung lượng, tốc độ và băng thông. a. Dung lượng: Tổng dung lượng bao gồm bộ nhớ nằm trên card đồ họa và bộ nhớ được chia sẻ từ RAM trên mainboard. Tuy nhiên, bộ nhớ được chia sẻ (vay mượn) từ RAM có tác dụng thấp, vì tốc độ truy xuất chậm so với bộ nhớ nằm sẵn trên card đồ họa. Do đó, quan trọng nhất vẫn là dung lượng RAM có sẵn trên card đồ họa. b. Tốc độ: Phụ thuộc vào chủng loại bộ nhớ. Hiện tại, các card đồ họa sử dụng loại bộ nhớ có tốc độ từ thấp là GDDR2 đến cao là GDDR5. c. Băng thông: Băng thông bộ nhớ của card đồ họa tùy thuộc vào độ rộng bus bộ nhớ của nó. Thông số này càng lớn, băng thông của nó càng rộng. Phổ biến hiện nay là card xài bộ nhớ bus 128-bit. Những card cao cấp có bus từ 256-bit trở lên. Ta thử so sánh: Card Radeon HD4770 dùng bộ nhớ GDDR5 hàng đỉnh tốc độ 3.200MHz nhưng do chỉ có bus 128-bit nên có băng thông 51,2GB/s; trong khi dòng Radeon HD 4850 tuy chỉ dùng bộ nhớ GDDR3 tốc độ 2.000Mhz lại đạt băng thông 64GB/s nhờ dùng bus 256-bit. 3.Yếu tố phụ: - Ngõ ra: Ngoài cổng D-Sub, DVI thông dụng, còn có các cổng S-VGA xuất ra tín hiệu hình analog, và HDMI xuất ra tín hiệu số tổng hợp. - Ngõ vào: Một số card đồ họa có cổng nhận tín hiệu analog vào để chuyển thành số. - Nhà sản xuất: Đây là một tiêu chí phụ nhưng cũng có thể là một tiêu chí quan trọng nhất, vì chất lượng linh kiện và thiết kế làm ảnh hưởng đến sức mạnh và độ ổn định, bền bỉ của card đồ họa. Đi kèm đó là các vấn đề hậu mãi, bảo hành... Ví dụ card đồ họa Gigabyte có thêm những thiết kế tản nhiệt, tăng sẵn xung nhịp, linh kiện chất lượng cao cùng với chế độ bảo hành 3 năm từ một nhà phân phối lâu năm. So sánh hiệu năng của card đồ họa Để so sánh sức mạnh của GPU, nhất là giữa 2 loại công nghệ khác nhau của hai nhà sản xuất NVIDIA và ATI, trên lý thuyết có thể nhận định các thông số về Fillrate (khả năng vẽ và tô bóng 3D) và bandwidth truy xuất bộ nhớ. Trong cùng một loại GPU, so sánh kế tiếp là bộ nhớ đồ họa Trên thực tế để chính xác hơn, người ta dùng các phần benchmark để chấm điểm hoạt động của toàn thể card đồ họa, như 3DMark, Cinebench... hay trên một ứng dụng cụ thể như: Photoshop, 3Dsmax, Solidwork, Pro/E... Tuy vậy, các kết quả này chỉ mang tính chất tham khảo tương đối chứ không hoàn toàn thể hiện chính xác tầm giá trị của card đồ họa. CÁC DÒNG GPU NVIDIA GEFORCE HIỆN TẠI (2009) CÁC DÒNG GPU RADEON HIỆN TẠI (2009) Chọn lựa tùy theo ứng dụng công việc Xin đơn cử một trường hợp hay làm người dùng phân vân khi chọn lựa card đồ họa: a. Card Gigabyte GV-R485OC-1GH dùng GPU ATI Radeon 4850 có 1GB GDDR3. b. Card Gigabyte GV-R487-512H-B dùng GPU ATI Radeon 4870 có 512MB GDDR5. Giá hai card xấp xỉ nhau, nhưng GPU của card b mạnh hơn card a, còn sức mạnh bộ nhớ thì ngược lại. Trong trường hợp này, phải tùy thuộc vào công việc của người dùng mà quyết định. Nếu người dùng chỉ thiết kế trên Adobe Photoshop hay Illustrator, lựa chọn a là hợp lý hơn. Hay nói cách khác là phải dựa vào xu hướng sử dụng ứng dụng nào trong công việc để chọn lựa card phù hợp. 1. Các ứng dụng 2D: Xu hướng yêu cầu sử dụng bộ nhớ đồ họa nhiều hơn khả năng xử lý 3D của GPU. a. Xử lý, chỉnh sửa ảnh (photo): Photoshop, Lightroom... làm việc với các file ảnh đơn giản. Do đó GPU chỉ cần yêu cầu mức trung cấp và bộ nhớ vừa (512MB). b. Thiết kế đồ họa: Photoshop, Illustrator... thường xuyên làm việc với nhiều file dung lượng lớn vài trăm MB. GPU mức trung cấp và bộ nhớ lớn (1GB). c. Biên tập phim, kỹ xảo: Adobe Premier, Pinnacle... Lưu ý tới ngõ ra, ngõ vào, các mã hóa hỗ trợ cần thiết. Do sử dụng nhiều cửa sổ realtime tạo kỹ xảo nên cần một GPU cao cấp cùng bộ nhớ lớn. Trong trường hợp khối lượng công việc chuyên nghiệp lớn, có thể nghĩ đến việc đầu tư cho dòng OpenGL card và một số card chuyên dụng cho việc mã hóa. 2. Các ứng dụng 3D: Xu hướng yêu cầu sử dụng tối đa khả năng xử lý 3D của GPU. a. Thiết kế 3D kiến trúc, khuôn mẫu, chi tiết kỹ thuật ở mức trung bình: Autocad, 3dsmax, Pro/E, Solidwork,... Nên đầu tư cho card đồ họa có GPU mạnh nhất có thể được trong phạm vi tài chính cho phép. b. Thiết kế film 3D animation, thiết kế 3D chuyên nghiệp ở mức cao: Maya, Cinema4d, Catia, Rhino... Hiện tại dòng card OpenGL đắt tiền là thích hợp nhất. Có thể dùng card OpenGL cũ nhưng nguy cơ hư hỏng không thể khắc phục được sẽ tăng cao vì khá hiếm. Xài 1 card, 2 card hay... 3 card? Đối với các dòng gaming card, có thể kết hợp sức mạnh từ 1 đến 3 card với nhau trên cùng một mainboard (tùy thuộc vào sự hỗ trợ của mainboard). Tuy nhiên sự kết hợp này không thể làm tăng sức mạnh lên đến 200% hay 300% như chi phí tương ứng. Do đó chỉ nên nghĩ đến vấn đề này khi đã sử dụng dòng card hi-end mà vẫn muốn nâng thêm sức mạnh xử lý. Kết luận Một card đồ họa mạnh sẽ rút ngắn thời gian xử lý hoặc có thể đảm đương nhiều tác vụ đồ họa cùng lúc. Bạn vẫn có thể sử dụng card đồ họa yếu hoặc thậm chí card đồ họa onboard rẻ tiền để thiết kế đồ họa, nhưng thời gian tiêu tốn cho các tác vụ xử lý sẽ rất lớn, có thể lại là lãng phí lớn khi so với sử dụng card đồ họa mạnh, đắt tiền. Mặc dù tùy vào yêu cầu công việc để chọn lựa một card đồ họa thích hợp nhất, nhưng xét về kinh tế, bạn cũng cần nghĩ đến khối lượng công việc trong tương lai, khả năng thích ứng trong sự phát triển và đào thải software... để có được một sự đầu tư có giá trị lâu dài, hoàn toàn không lãng phí. PHẠM NGỌC THI(Công ty Viễn Sơn, nhà phân phối card đồ họa Gigabyte ở Việt Nam) Nguồn: http://www.mediazone.vn/home/digispecial/1736-digispecial-33.html