Hãy cùng lấy 1 ví dụ thô thiển. Bạn đến một căn hộ mới mua của mình, do chưa quen nơi ở mới (Hi vọng rằng không phải cố tình), bạn mở rèm cửa sổ và đập vào mắt bạn là hình ảnh một người phụ nữ đang thay quần áo. Chủ đề của bài viết không nhằm mục đích trả lời cho câu hỏi bạn bối rối hay thích thú, hành động tiếp theo của bạn còn tùy thuộc xem bạn là con người thế nào, chúng ta sẽ bàn luận về hành động của người phụ nữ kia. Thực tế, do câu chuyện chỉ là tưởng tượng nên rất khó để biết xem hành động tiếp theo của người phụ nữ ấy sẽ là gì. Một điều không thể thiếu có lẽ là tiếng hét và một vài câu quát tháo, chửi bới sẽ văng vào mặt bạn nhưng hành động mà người phụ nữ ấy sẽ làm thì còn phải tùy thuộc vào quốc tịch của người ấy. Một người phụ nữ Anh hoặc Mỹ sẽ lấy một tay che ngực, tay còn lại cho vùng kín. Một người phụ nữ Thụy Điển sẽ dùng cả hai tay che vùng kín. Một người phụ nữ Samoan sẽ lấy tay che rốn. Một người phụ nữ Sumatra sẽ lấy tay che đầu gối. Hiệu quả nhất và thông minh nhất có lẽ là phụ nữ Hồi giáo, họ sẽ che mặt lại khi tai nạn giả tưởng của chúng ta xảy ra. Mỗi quốc gia, mỗi tôn giáo hay đôi khi chỉ là mỗi ngành nghề riêng trong xã hội lại có những phong tục, những các ứng xử riêng hay những kiểu cách riêng dễ nhận biết mà chúng ta gọi là Stereotype. Đôi khi, sự khác biệt giữa các mẫu người quá lớn khiến cho những cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa (Ví dụ như khi du lịch, chuyển nơi làm việc…) tạo nên những bất ngờ thú vị (tất nhiên cũng có những bất ngờ chẳng thú vị chút nào). Shock văn hóa, đó là những gì chúng ta thường thấy khi gặp những người đến từ những nền văn hóa khác. Ví dụ như một người đàn ông Việt Nam đúng nghĩa (Có nghĩa là không Gay) có lẽ sẽ cảm thấy không thú vị gì với kiểu chào hôn má của người Ý. Không chỉ có vậy, kiểu cách sấn sổ, vồ vập hay giọng điệu luôn có vẻ tức giận của người Ý sẽ khiến bạn thật sự lo lắng trong lần đầu chạm mặt. Tuy nhiên, tất cả những hành động này lại là những cử chỉ rất đỗi bình thường, thậm chí có thể nói là thân thiện, của dân Ý với nhau. Có lẽ để nói về những khác biệt trong văn hóa thì một bài viết là quá ngắn hay cũng có thể nói rằng người viết không đủ tầm hiểu biết để bàn luận quá sâu về vấn đề này. Bài viết chỉ có thể nêu ra những gì cơ bản về những dị biệt giữa những nền văn hóa. Trong thời đại mà du lịch đến những quốc gia khác khá đơn giản như hiện nay, việc tìm hiểu về những khác biệt là không thừa, nếu một ngày bạn đi du lịch đâu đó, hãy cẩn thận kẻo làm mất lòng người dân bản địa nơi bạn tới. Những biểu tượng trong cuộc sống của chúng ta đôi khi mang ý nghĩa hoàn toàn khác khi bạn đi xa nhà. 1. Hãy cùng bắt đầu bằng một trò chơi nhỏ Đôi khi trong cuộc sống, có những từ ngữ chúng ta quá quen thuộc đến nỗi không muốn sử dụng lời nói, hay có những khi không gian ồn ào xung quanh không cho phép người đối diện hiểu những gì bạn nói dù câu nói ấy thật ngắn gọn… Trong những trường hợp này, ngôn ngữ cơ thể là những gì bạn sử dụng để truyền đạt ý nghĩ của mình. Những ngón tay là một trong những bộ phận thường được sử dụng để biểu đạt ngôn ngữ cơ thể và đôi khi chúng ta cứ ngỡ rằng những biểu tượng bằng tay đã được đồng bộ hóa trên toàn thế giới. Nhưng thật sự không phải vậy. Những biểu tượng mà ngón tay ta tạo ra có thể có cùng ý nghĩa với một người xung quanh, tuy nhiên, trong một nền văn hóa khác, những biểu tượng này lại cho người đối diện một ý nghĩa khác biệt hoàn toàn. Như đã nói, khi đã ở xa nhà, từng thứ nhỏ nhặt nhất cũng mang ý nghĩa khác biệt. Hãy cùng thử chơi một trò chơi. Dưới đây là một số hình vẽ về những biểu tượng ngón tay. Bạn hãy thử đoán ý nghĩa của những hình vẽ này, càng nhiều ý nghĩa càng tốt và so sánh với kết quả bên dưới. Mỗi ý nghĩa đúng bạn sẽ được 1 điểm. Nếu đạt được 30 điểm trở lên. Bạn thực sự là một người có hiểu biết rộng. Mọi người yêu quý bạn. Nếu đạt từ 15 đến 29 điểm. Bạn hiểu rằng mọi người xung quanh khác biệt với bạn nhưng vẫn cần tìm hiểu thêm nhiều điều. Nếu đạt dưới 15 điểm. Bạn thực sự giống người Mỹ. Bạn nghĩ rằng những người xung quanh giống bạn. Có lẽ bạn không nên rời xa ngôi nhà của chính mình Trò chơi bắt đầu. Và đây là đáp án. A. Tại Châu Âu và Bắc Mỹ: Được thôi (Ok). Tại khu vực Địa Trung Hải, Brazil, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ: Biểu tượng của lỗ; phỉ báng về tình dục; gay. Tại Tunisia, Pháp, Bỉ: Số 0; Vô ích. Tại Nhật: Đồng xu; Tiền bạc. B. Số 1; Kiểu gọi của người phương Tây: Xin lỗi!; Không! (Đối với trẻ em); Chúa chứng giám!. C. Tại Anh, Úc, New Zealand và Malta: Mang ý nghĩa chửi rủa; Của mày hả! (Bày tỏ sự khó chịu). Tại Mỹ: Số 2. Tại Đức: Biểu tượng chiến thắng. Tại Pháp: Biểu tượng hòa bình. Rome cổ: Số 5. D. Tại Châu Âu: Số 3. Tại các vùng theo Đạo Thiên Chúa: Một biểu tượng ban phúc. E. Tại một số nước Châu Âu: Số 2. Tại Anh, Úc, New Zealand: Số 1. Tại Mỹ: Kiểu gọi bồi bàn trong nhà hàng. Tại Nhật: Mang ý nghĩa xỉ nhục, chửi rủa. F. Tại các đa số các quốc gia: Số 4. Tại Nhật: Mang ý nghĩa xỉ nhục, chửi rủa. G. Tại tất cả các quốc gia: Dừng lại!; Số 5. Tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ: Cút xuống địa ngục đi! (Mang ý nghĩa chửi rủa). H. Tại vùng Địa Trung Hải: “Của quý” bé (Mang ý nghĩa xỉ nhục). Tại Bali: Tồi. Tại Nhật: Phụ nữ. Tại Nam Mỹ: Gầy. Tại Pháp: Không lừa được tao đâu! I. Tại vùng Địa Trung Hải: Ý chỉ về việc cắm sừng. Tại Malta và Ý: Biểu tượng tôn giáo về việc bảo vệ bản thân trước Quỷ dữ. Tại Nam Mỹ: Biểu tượng về việc bảo vệ bản thân trước vận rủi. Tại Mỹ: Biểu tượng đầu bò của bang Texas; Biểu tượng của đội bóng đá Texas Longhorn của Mỹ. J. Tại Hy Lạp: Cút xuống địa ngục đi! (Mang ý nghĩa chửi rủa). Tại các quốc gia khác: Số 2. K. Tại Rome cổ: Của mày hả! (Mang sắc thái khó chịu). Tại Mỹ: Biểu tượng của ngón tay thối. L. Tại Châu Âu: Số 1. Tại Úc: Mang ý nghĩa giống ngón tay giữa của Mỹ. Trên toàn thế giới: Xin đi nhờ xe; Ok; Tốt. Tại Hy Lạp: Của mày hả! (Mang sắc thái khó chịu). Tại Nhật: Đàn ông; Số 5. M. Tại Hawaii: Nới lỏng ra. Tại Hà Lan: Muốn uống chút gì không? N. Tại Mỹ: I love you! O. Tại phương Tây: Số 10; Đầu hàng. Tại Hy Lạp: Mang sắc thái cực kỳ khó chịu. Hầu như trên toàn thế giới: Tôi đang nói sự thật mà! Kết thúc trò chơi. Bạn được bao nhiêu điểm? 2. Tại sao chúng ta đang dần trở nên giống người Mỹ? Có lẽ sẽ có một vài người nói rằng trò trắc nghiệm này chỉ là nhảm nhí vì rõ ràng một vài biểu tượng cũng được người Việt Nam ta sử dụng tại sao lại không được nhắc đến. Trên thực tế, chúng ta không có tài liệu nào ghi nhận về những biểu tượng, ngôn ngữ cơ thể mà người Việt Nam gốc sử dụng. Những gì chúng ta sử dụng ngày nay thực chất là học lỏm qua phim ảnh, báo chí của người nước ngoài. Trò chơi này chỉ nhắc đến những biểu tượng xuất phát tử nguyên gốc một quốc gia nào đó. Phim ảnh đã khiến cho giới trẻ dần dần học tập theo văn hóa của Mỹ và cho rằng đó là biểu tượng được toàn thế giới công nhận. Những người Úc của thập niên 60 của thế kỷ trước sẽ sử dụng biểu tượng 2 ngón tay của người Anh như một cách rủa xả nhưng cũng như tại Việt Nam hiện nay, giới trẻ Úc lại quen với biểu tượng ngón tay giữa của người Mỹ hơn. Người Mỹ nghĩ cả thế giới suy nghĩ và hành động giống như họ, rằng họ là hình mẫu hoàn hảo của thế giới và thực sự thì phim ảnh đã khiến cho các nền văn hóa khác trên toàn thế giới trở nên ngày càng giống họ. 3. Một số cách nhìn khác nhau trong văn hóa Ngay cả cách chào mừng nhau ở mỗi quốc gia cũng khác nhau dù nhìn bề ngoài chúng cùng một kiểu cách. Một cái bắt tay của người châu Á hay người Arab sẽ có thể được kéo dài bằng cái nắm tay. Một cái bắt tay của người Đức hay Pháp sẽ kết thúc sau một lần lắc và một cái nắm chặt. Trong khi ấy, người Anh sẽ lắc tay khoảng 3 đến 5 lần và người Mỹ sẽ lắc khoảng 5 đến 7 lần cho 1 cú bắt tay. Như vậy, một cái bắt tay của người Đức sẽ khiến một người Mỹ cảm thấy xa cách trong khi một cái bắt tay kiểu Mỹ có thể khiến một người Đức có cảm tưởng giống như họ đang chuẩn bị giường đệm để làm chuyện-mà-ai-cũng-biết-đó-là-chuyện-gì. Trong khi ấy, đối với người Nhật thì sự động chạm cơ thể lại thể hiện sự khiếm nhã. Một điều cần cực kỳ chú ý ở Nhật là đôi giày của bạn do kiểu chào cúi đầu của họ. Khi chào như vậy, điều đầu tiên một người Nhật chú ý ở đối phương chính là đôi giày mà đối phương đang đi. Đôi môi chúm chím kiểu Anh là một phong cách thể hiện sự sang trọng.Henry VIII là người nổi tiếng với phong cách này và đôi môi như vậy vẫn được giới thượng lưu, giàu có tại Anh và Mỹ sử dụng. Ngay cả khi đối thoại bằng lời nói thì ngôn ngữ hình thể cũng rất khác biệt ở mỗi quốc gia. Những người Ý thường có thói quen sử dụng tay trong khi nói chuyện để diễn đạt mọi thứ và khi muốn xen vào câu chuyện của một người, bạn phải dừng tay của người đó lại. Trong khi đó, những quý ông người Anh hoặc kiểu người nổi tiếng nghiêm túc như người Đức lại không thể hiện ngôn ngữ hình thể trong cuộc trò chuyện. Người Anh, người Đức thường có thói quen bất động và chú tâm đến câu chuyện và thực sự họ có rất ít cơ hội được mở lời nếu nói chuyện với một người Ý. Nếu đem so sánh với người Ý, có lẽ chỉ có dân Pháp mới có thể ngang hàng về thói quen khoa chân, múa tay. Người Ý sẽ sử dụng cả tay lẫn cơ thể trong cuộc nói chuyện, người Pháp thì khiêm tốn hơn một chút, họ chỉ sử dụng tay để diễn đạt lời muốn nói. Dân Việt Nam hay châu Á nói chung thường có thói quen khịt mũi và khạc đờm ra ngoài, tuy nhiên, ở phương Tây, người dân lại có văn hóa sử dụng khăn tay và xì mũi vào đó. Sự khác biệt này là kết quả của những cái nhìn khác nhau về cùng một vấn đề chung: Bệnh lao. Trước khi vaccine phòng lao ra đời, toàn thế giới từng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề về bệnh lao, thứ bệnh này từng là căn bệnh không thể chữa khỏi trong quá khứ, nó đáng sợ như bệnh AIDS của chúng ta ngày nay. Theo quan điểm của người phương Tây, việc khạc nhổ bừa bãi có thể là nguyên nhân phát tán vi khuẩn bệnh lao, do đó, việc khạc nhổ giống như dân châu Á là một điều đáng kinh tởm ở châu Âu. Trong khi đó, đối với dân châu Á, việc xì mũi vào khăn tay sau đó cất vào túi (Đàn ông châu Âu xưa thường có phong cách vắt khăn tay qua túi ngực sau khi sử dụng) chẳng khác nào việc sử dụng giấy toilet sau đó cất vào túi và đi rêu rao khắp nơi. Theo quan điểm của người châu Á, việc khạc nhổ là loại bỏ vi khuẩn ra khỏi cơ thể để chúng không thể đi theo chúng ta được, trong khi đó, hành động của người châu Âu là vận chuyển vi khuẩn của cơ thể đi khắp nơi. Thực tế, với cùng một vấn đề, 2 phía đã có những cách nhìn nhận và giải quyết khác nhau tạo ra những nét dị biệt. 4. Một số biểu tượng quen thuộc Tuy mang những ý nghĩa khác nhau ở những quốc gia khác nhau, nhưng có một số biểu tượng mà chúng ta có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi trên thế giới. Vòng tròn. Được sử dụng bắt nguồn từ Mỹ, mang nghĩa là OK - “Tốt”, “Được”, “Tán thành”, “Đồng ý”,…Theo một số người thì “OK” bắt đầu từ “Oil Korrect” là một kiểu đọc lệch đi của “All Correct” (Mọi thứ đều tốt). Tuy nhiên, theo một số người khác, đây là cách nói ngược lại của từ “Đo ván” (K.O). Một giả thuyết khác cho rằng OK là từ viết tắt của một nhân viên bưu chính sử dụng tên viết tắt của mình đóng lên các bưu phẩm đã qua kiểm duyệt. Dù xuất xứ thế nào đi nữa, đối với các nước sử dụng tiếng Anh, từ OK đã là một biểu tượng quá thông dụng mang ý nghĩa tán thành, đồng ý. Nhờ có các bộ phim, video clip ca nhạc của Mỹ, biểu tượng này mau chóng trở thành một biểu tượng được sử dụng tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, tại một số nước như Pháp hay Bỉ, biểu tượng này vẫn mang ý nghĩa là “Số 0” hay “Vô dụng”, “Không hài lòng”. Nếu bạn sử dụng biểu tượng này với người Nhật, họ sẽ nghĩ bạn đang xin tiền họ. Đối với cư dân vùng Địa Trung Hải hay Hy Lạp, sử dụng biểu tượng này đồng nghĩa với việc nói với họ rằng họ bị đồng tính, trong khi ấy, người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nghĩ rằng bạn gọi anh ta là “Tên khốn”. Vào những năm 1950, trước khi trở thành Tổng thống Mỹ, Richard Nixon đã có chuyến viếng thăm các nước châu Mỹ Latin trong một chuyến thăm thiện chí với mục đích giúp cho quan hệ của những nước này với Mỹ bớt căng thẳng. Khi vừa bước ra khỏi máy bay, Nixon đã đưa tay ra, sử dụng biểu tượng vòng tròn OK với đám đông đang chờ đón ông ta. Ngay sau đó, Richard Nixon đã nhận được sự phản đối, la ó từ đám đông. Khi ấy, biểu tượng “Xin chào. Tôi ổn.” của Nixon được mọi người hiểu với ý nghĩa “Xin chào. Các người là lũ khốn.”. Đây là ví dụ điển hình cho những rắc rối chúng ta có thể gặp phải khi giao lưu với một nền văn hóa khác. Ngón tay cái. Trong Clip Nơi ấy của Hà Okio, anh chàng này có sử dụng ngón tay cái đưa thẳng lên trời để bắt xe, trong thực tế, nếu bạn sử dụng cách này để bắt xe trên đường quốc lộ Việt Nam, nó chẳng có khác biệt gì so với việc khoa tay, múa chân hay hò hét gọi xe bình thường. Mặc dù với những nước mà tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng chính như Anh, Mỹ, Úc, New Zealand, Nam Phi, Singapore thì biểu tượng này thực sự có thể được hiểu là cách xin đi xe, nhưng với Việt Nam ta, có lẽ chẳng mấy bác tài xế hiểu được biểu tượng này. Đối với các nước phương Tây, ngón tay cái dựng thằng cũng có thể hiểu với ý nghĩa là “Ổn”, “Tốt”,…Tuy nhiên, với một số nước như Hy Lạp thì giơ ngón tay cái cũng là một cách khinh miệt. Ngoài ra, ngón tay cái là ngón tay lớn nhất, khỏe nhất trên cả bàn tay, nó là biểu tượng của sức mạnh đối với một số nền văn hóa. V-Sign. Ngón trỏ và ngón giữa tạo thành hình chữ V có thể có rất nhiều cách hiểu. Đôi khi nó chỉ đơn giản là biểu tượng của con số 2. Đối với người Đức, đó là biểu tượng của chiến thắng. Tuy nhiên, đối với người Anh, V-sign là một biểu tượng của sự khinh miệt. Trong chiến tranh thế giới thứ II, Tổng thống Winston Churchill nổi tiếng với biểu tượng V-sign nhưng là V-sign quay lòng bàn tay ra ngoài biểu tượng cho chiến thắng. Trong khi ấy, V-sign với mu bàn tay quay ra ngoài mang ý nghĩa giống với ngón tay giữa của người Mỹ. Để hiểu về ý nghĩa của V-sign đối với người Anh, chúng ta cần tìm hiểu về thời Trung cổ, đặc biệt vào thời điểm Anh và Pháp xảy ra chiến tranh. Người Anh nổi tiếng với tài bắn cung, ngón trỏ và ngón giữa chính là 2 ngón tay để kẹp tên bắn. Do đó, vào thời này, khi bắt được tù binh, những cung thủ người Anh thay vì bị tử hình thì lại bị chặt đứt 2 ngón tay này. Dần dần, V-sign trở thành một biểu tượng để thể hiện sự trêu tức với ý nghĩa: “Ta vẫn còn ngón tay bắn tên.Ta vẫn sẽ giết được người.”. Ngay cả khi súng đạn thay thế cung tên, 2 ngón tay này giơ lên thành V-sign vẫn là một cách khinh miệt mà người Anh sử dụng với người khác. 5. Kết Khi nhắc đến những xung đột về văn hóa, người Mỹ nổi tiếng là những người dễ khiến những người thuộc các nền văn hóa khác phật lòng. Rất nhiều người Mỹ trẻ tuổi nghĩ rằng tiếng Anh xuất phát từ Mỹ, do người Mỹ tạo ra. Một đặc trưng khác đó là khi chúng ta đến Mỹ, chúng ta sẽ phải sử dụng tiếng Anh và ngay cả khi người Mỹ đến Việt Nam thì chúng ta vẫn sẽ phải sử dụng tiếng Anh (!?). Ở trên, chúng ta đã nhắc đến tai nạn của Richard Nixon tại các nước châu Mỹ Latin. Mới hơn tai nạn ấy, vào năm 1985, 5 công dân Mỹ đi thăm quan tại Vatican đã bị bắt tại Rome do ăn mừng, reo hò và sử dụng biểu tượng với ngón út và ngón trỏ dựng đứng lên (Hình I ở trong trò chơi nhỏ bên trên). Những công dân Mỹ này đang ăn mừng chiến thắng của đội bóng Longhorn của Texas ở Mỹ, tuy nhiên, sai lầm của họ là tổ chức ăn mừng gần Vatican. Trong khi biểu tượng họ sử dụng là biểu tượng của đội bóng yêu thích nhưng đối với Vatican thì đó là biểu tượng của Quỷ Satan. Biểu tượng này cũng được những Rocker hay những Metal-head (Những người nghe Rock mạnh) sử dụng làm biểu tượng của Quỷ. Khi đến một vùng khác, hãy sử dụng chút ít thời gian để theo dõi cách cư xử của người bản địa để có cách ứng xử cho đúng. Nếu như không rõ phải làm thế nào, hãy hỏi những người xung quanh để có cách cư xử phù hợp. Những dị biệt về lời nói, ngôn ngữ cơ thể có thể khiến những người xung quanh ngay lập tức đưa đến kết luận sai lệch về bản thân bạn, do đó, hãy cẩn trọng và cố gắng học hỏi để không biến mình thành kẻ chẳng ra gì trong mắt những người mới gặp. Tham khảo:WestSideToastMaster