Sáu giờ sáng. Chị Lê Thị Năm (xã Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) cẩn thận kiểm tra lại xe máy, mũ bảo hiểm, áo quần đi mưa, dụng cụ vá xăm, bơm hơi…, Đó là tất cả những vật dụng cần thiết cho hành trình dài hàng chục cây số. Rồi chị í ới gọi Đạt, cậu con trai mới học lớp 2. Đạt vội vàng cho nốt cuốn sách vào trong balo, nhanh chóng chạy ra xe. Hôm nay là thứ Bảy, Đạt có lịch học thêm môn tiếng Anh ở dưới thành phố Hạ Long, cách xã miền núi Đồng Sơn nhà em tới 60 km. Đã hơn một năm nay, tuần nào cũng vậy, mỗi thứ bảy và chủ nhật, mẹ Năm trở thành “tay lái lụa” đưa Đạt vượt qua bao núi đồi, bao con suối, khe, đập, để đưa Đạt đến với thứ ngôn ngữ mới lạ ấy. Đạt vẫn còn nhớ lần đầu tiên nghe thấy người ta nói tiếng Anh trên tivi. Ở khắp xã Đồng Sơn này, toàn người dân tộc Dao, Đạt chỉ nghe thấy hai thứ tiếng là tiếng Dao và tiếng Kinh. Nhưng trên tivi, rõ ràng là một thứ ngôn ngữ khác. “Mẹ, họ nói tiếng gì vậy mẹ?” Đạt ngạc nhiên hỏi mẹ Năm. Mẹ Năm là giáo viên, đương nhiên có câu trả lời cho Đạt: Tiếng Anh con ạ. Từ khóa “tiếng Anh” ấy lập tức mở ra trong đầu Đạt cả một chân trời mới, ở Vương quốc Anh xa xôi, vượt ra khỏi núi rừng Đồng Sơn, khỏi Hoành Bồ, ra ngoài cả biên giới Việt Nam. Đạt nằn nì, Đạt khẩn khoản, Đạt cầu xin mẹ Năm cho Đạt đi học tiếng Anh. Nhưng ở giữa huyện miền núi Hoành Bồ này, nơi người ta nói tiếng Kinh còn chưa sõi, nơi mà người dân chỉ mới vừa thoát ra được khỏi diện xã nghèo 135, đi học tiếng Anh ở đâu bây giờ? Mẹ Năm đành khuyên Đạt từ bỏ ước mơ ấy. Đạt buồn lắm, cậu vẫn thích đi học tiếng Anh. Với nhiều người, đó có thể chỉ là câu nói, niềm yêu thích trẻ con, một đứa trẻ mới 6 tuổi, nay nói mai quên, nay thích mai chán, lại xa vời thực tế. Còn với mẹ Năm, đó không chỉ là ước mơ của Đạt mà còn là ước mơ của cả chính mình, bởi với chị, “điều quan trọng với người mẹ là biến ước mơ của con thành hiện thực.”. Vì thế, khi tình cờ nghe mọi người nói ở dưới Hạ Long có trung tâm dạy tiếng Anh, chị Năm đã lập tức đi xe máy vượt hơn 60 cây số đường núi xuống thành phố tìm lớp cho con. Chị cẩn thận đi tìm hiểu các trung tâm để chọn nơi ưng ý nhất. Tìm được chỗ học cho con thì chi phí lại quá lớn so với mức lương giáo viên chỉ vẻn vẹn có 5 triệu đồng, chị đành đề nghị trung tâm cho mình được trả góp theo từng tháng. “Lúc đó tôi chẳng nghĩ đến việc đi xa hay gần, tốn kém hay không tốn kém, chỉ cần có lớp học tiếng Anh tốt cho con là được, vì đó là mơ ước của Đạt,” chị Năm chia sẻ. Đạt vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu tiên đặt chân tới trung tâm, lần đầu tiên nghe giáo viên người nước ngoài tiếng Anh, lần đầu tiên được nói thứ ngôn ngữ mà cậu hằng mơ ước. Đó là một niềm sung sướng hân hoan tuyệt vời! Lớp học dưới thành phố thực sự là một chân trời mới với Đạt, không chỉ là việc được học một thứ ngôn ngữ mới, mà còn là một môi trường mới, thầy cô mới, những người bạn mới, phương pháp giáo dục mới, trang thiết bị học tập hiện đại với bảng tương tác điện tử… Tất cả những điều đó hoàn toàn khác với ngôi trường Tiểu học Đồng Sơn, nơi Đạt và các bạn vẫn ngày ngày đến lớp. Đạt học bằng tất cả sự say mê, không chỉ ở trên lớp mà cả tự ôn luyện ở nhà. Và vì thế, vốn tiếng Anh của cậu dày lên rất nhanh, đến chính các giáo viên cũng phải ngạc nhiên.